Báo Giao Thông - Tin tức 24h qua, Tin nóng mới nhất hôm nay,

Vựa chuối gục nát sau bão, người trồng lo mất Tết, ôm nợ

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 12:30:27 20/09/2024 theo đường link https://www.baogiaothong.vn/vua-chuoi-guc-nat-sau-bao-nguoi-trong-lo-mat-tet-om-no-192240920093930556.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Đúng vào thời điểm chuối phục vụ tết Nguyên đán đang ra buồng thì bão số 3 đổ bộ khiến vựa chuối lớn nhất Hải Phòng gần như bị xóa sổ.
"Chẳng còn tài sản gì sau bão số 3" Hơn chục ngày sau khi bão số 3 đổ bộ, ông Đào Văn Nguyên (ở xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) vẫn chưa dọn dẹp xong vườn chuối tan hoang, hàng trăm cây chuối đều đã bị đổ gục do bão, không còn khả năng phục hồi.
Hiện ông Nguyên đang phải mướn người dọn dẹp và chuẩn bị làm lại đất trồng. Do ảnh hưởng của cơn bão, các gia đình đều bị thiệt hại, nên việc thuê người làm giai đoạn này rất khó khăn.
Hàng trăm ha trồng chuối tại xã Liên Khê bị bão số 3 làm đổ gục, không có khả năng phục hồi.
Ông Nguyên than thở: "Tết năm nay đói chú ạ. Cả gia đình trông chờ vào mấy sào chuối Tết sắp ra buồng, giờ không còn tài sản gì nữa rồi".
Xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng là vựa trồng chuối lớn của khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, với diện tích lên đến gần 200ha. Chuối trồng tại Liên Khê nổi tiếng quả to, đẹp mắt và có vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng nên được thị trường ưa chuộng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Liên Khê cho biết, chuối và na bở là hai sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Hiện tổng diện tích trồng chuối trên địa bàn xã đạt khoảng 200ha.
Ngày thường, chuối tại địa phương được bán rất rẻ nhưng do biết điều chỉnh thời gian, chăm sóc hiệu quả nên cây chuối chín vào đúng dịp tết Nguyên đán. Chuối thu hoạch đúng dịp Tết sẽ có giá đắt hơn, mỗi buồng chuối có giá cả triệu đồng, thấp nhất cũng trên 500 nghìn đồng.
"Những ngày giáp Tết, mỗi buồng chuối tây bán tại vườn có giá dao động từ 500-800 nghìn đồng, riêng chuối tiêu hồng có buồng lên đến 1,2 triệu đồng song vẫn đắt hàng. Ước tính, mỗi sào chuối trồng được khoảng 60 cây, với giá trung bình khoảng 800 nghìn/buồng, người trồng chuối Tết thu về khoảng 40 triệu đồng/sào", ông Hùng nhẩm tính.
Chuối Liên Khê thường được cung cấp cho thị trường Hải Phòng và Quảng Ninh. Nông dân ở xã thuần nông Liên Khê đang khấm khá lên từng ngày nhờ trồng chuối và na theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, bão số 3 đã tàn phá nặng nề khiến hàng trăm ha trồng chuối và na tại địa phương bị tàn phá nghiêm trọng.
"Thiệt hại do bão số 3 đối với nông nghiệp của xã khoảng 200 tỷ đồng, trong đó cây chuối và cây na chiếm khoảng 3/4 thiệt hại. Rất nhiều người nông dân mất trắng sau cơn bão, ôm thêm nợ và lo Tết chẳng còn gì", ông Hùng buồn rầu chia sẻ.
Nỗ lực khôi phục Dù rất buồn lo vì vườn chuối đã hỏng hoàn toàn, ông Nguyên cho biết, vẫn đang nỗ lực gây dựng lại vườn.
Theo ông Nguyên, đối với diện tích trồng chuối, người nông dân phải dọn dẹp toàn bộ vườn cây bị gãy đổ, làm lại đất, thời gian mất khoảng nửa tháng.
Những cây chuối con còn sót lại do bão sẽ được tận dụng làm con giống để trồng lại. Tuy nhiên, với diện tích lớn, nhu cầu cây giống đang trở nên khan hiếm, việc thuê lao động cũng khó khăn, nên việc phục hồi sẽ triển khai từ từ.
Thị trường chuối Tết năm nay dự báo sẽ trở nên khan hiếm, giá cả sẽ tăng gấp nhiều lần.
Bà Trần Thị Vân (trú xã Liên Khê) chia sẻ, đối với chuối trồng cho vụ Tết, theo quy luật sinh trưởng, cây chuối giống sẽ được trồng vào thời điểm tháng giêng, tháng 2 Âm lịch, đến giữa tháng 8, đầu tháng 9, cây chuối sẽ ra buồng, cuối năm chuối sẽ được thu hoạch.
Như vậy, nhiều diện tích chuối trồng cho vụ Tết sẽ được người dân dọn dẹp, có thể trồng cây ngắn ngày để đất đỡ hoang phí và đợi đến qua Tết 2025 mới có thể trồng lại.
"Năm nay thị trường chuối Tết ở Hải Phòng sẽ trở nên khan hiếm, giá sẽ cao gấp nhiều lần và gần như không có để bán", bà Vân dự đoán.
Ngoài diện tích trồng chuối bị xóa sổ gần như hoàn toàn sau bão số 3, người nông dân trồng na bở tại đây cũng không tránh khỏi thiệt hại. Dù vụ na đã thu hoạch xong nhưng do bão, nhiều cây bị gãy đổ, bộ rễ bị tổn thương nên phải mất ít nhất 1 năm để cây có thể ra quả.
Nhiều diện tích trồng na không thể khôi phục, người dân phải trồng lại nên phải đợi khoảng 3 đến 4 năm cây mới cho quả nhưng năng suất thấp. Bởi để đạt được năng suất như thời điểm trước bão, người trồng na đã phải mất tới 5 - 7 năm.
"Để khôi phục lại diện tích cây trồng na như ban đầu, cần phải mất ít nhất 1 đến 3 năm. Thiệt hại do bão sẽ còn kéo dài đối với người nông dân ở địa phương", ông Trần Văn Oánh, Bí thư xã Liên Khê chia sẻ.
Người dân trồng đào tại huyện An Dương cũng rơi vào cảnh cụt vốn, đào cảnh bị đổ gãy, ngập úng, phục hồi kém.
Tại Hải Phòng, những làng nghề trồng cây cảnh như đào, quất tại huyện An Dương cũng điêu đứng do bão số 3. Theo ước tính sơ bộ đã có gần 1,9 triệu cây cảnh, cây hoa ở Hải Phòng bị hư hại, trong đó người trồng đào thiệt hại rất nặng nề.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện An Dương cho biết, hậu quả của bão số 3 để lại trên địa bàn huyện nặng nề, nhất là các nhà vườn trồng đào ở xã Đặng Cương và xã Đồng Thái với tổng diện tích hơn 200ha.
"Hàng năm, nguồn thu từ cây đào ở 2 địa phương này lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ thất thu nghiêm trọng", vị này cho biết.
Sao chép thành công