Nội dung liên quan Anh, Tin Quốc Tế

Báo điện tử Tổ Quốc,

Vùng Nam Cực bất ngờ chuyển sang màu xanh thảm thực vật

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 07:34:39 08/10/2024 theo đường link https://toquoc.vn/vung-nam-cuc-bat-ngo-chuyen-sang-mau-xanh-tham-thuc-vat-20241006101427226.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Tổ Quốc) - Theo một nghiên cứu mới đây, một số vùng Nam Cực băng giá đang chuyển sang màu xanh của thảm thực vật với tốc độ đáng báo động khi khu vực này đang phải hứng chịu các sự kiện nhiệt độ cực cao, làm dấy lên mối lo ngại về sự thay đổi cảnh quan trên lục địa rộng lớn này. Hãng CNN dẫn tin các nhà khoa học đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và dữ liệu để phân tích mức độ lan nhanh của thảm thực vật trên Bán đảo Nam Cực.
Bán đảo Nam Cực bao gồm hệ thống địa hình phức tạp với nhiều ngọn núi, dãy núi, khe sâu và bãi băng trôi. Nơi này đang ấm lên nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.
Thảm thực vật phát triển trên Đảo Green ở Bán đảo Nam Cực, nơi đang nóng lên nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Ảnh: Matt Amesbury
Trong một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại các trường đại học Exeter và Hertfordshire ở Anh cũng như Tổ chức Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, các nhà khoa học đã phát hiện thấy thảm thực vật — chủ yếu là rêu — đã tăng nhanh gấp 10 lần ở môi trường khắc nghiệt này trong bốn thập kỷ qua.
Nghiên cứu cũng cho thấy thảm thực vật bao phủ chưa đến 0,4 dặm vuông trên Bán đảo Nam Cực vào năm 1986 nhưng đã đạt gần 5 dặm vuông vào năm 2021. Tốc độ phủ xanh của thảm thực vật hiện đang tăng tốc trong 4 thập kỷ qua và tăng hơn 30% trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2021.
"Nếu như trước đây, cảnh quan vẫn gần như hoàn toàn là tuyết, băng và đá thì thảm thực vật giờ đây đã phủ xanh đáng kể từ giữa những năm 1980 đến nay. Những phát hiện của chúng tôi xác nhận rằng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do con người gây ra không có giới hạn", ông Thomas Roland, tác giả nghiên cứu và nhà khoa học môi trường tại Đại học Exeter cho biết.
Theo ông Roland, ngay cả trên Bán đảo Nam Cực - vùng 'hoang dã' xa xôi, biệt lập và khắc nghiệt nhất thì cảnh quan cũng đang thay đổi và những tác động này có thể nhìn thấy từ không gian.
Hình ảnh vệ tinh trên Bán đảo Nam Cực cho thấy thảm thực vật đang phủ xanh.Ảnh: Tom Roland
Nam Cực, nơi lạnh nhất trên Trái đất, gần đây đã phải hứng chịu các sự kiện nắng nóng khắc nghiệt. Trong mùa hè năm nay, một số khu vực của lục địa này đã trải qua đợt nắng nóng phá kỷ lục khi nhiệt độ tăng lên tới 50 độ F từ giữa tháng 7.
Vào tháng 3/2022, nhiệt độ ở một số khu vực của lục địa này đã lên tới 70 độ F, đây là mức chênh lệch nhiệt độ khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận ở khu vực này.
"Xanh hoá" vùng Nam Cực
Các nhà khoa học dự đoán khi ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đang khiến hành tinh ấm lên thì Nam Cực sẽ tăng tốc quá trình xanh hóa này.
Bán đảo càng xanh tươi, đất sẽ càng hình thành và khu vực này càng có khả năng trở thành môi trường thuận lợi hơn cho các loài xâm lấn và là mối đe dọa đối với động vật hoang dã bản địa.
"Hạt giống, bào tử và mảnh thực vật có thể dễ dàng tìm đường đến Bán đảo Nam Cực trên giày dép hoặc đồ dùng của khách du lịch và các nhà nghiên cứu. Và trong cách truyền thống nhất, những hạt giống này có thể di chuyển theo các loài chim di cư và gió", các nhà khoa học cho biết.
Bên cạnh đó, quá trình phủ xanh cũng có thể làm giảm khả năng bức xạ mặt trời trở lại không gian của bán đảo, vì các bề mặt tối hơn hấp thụ nhiều nhiệt hơn.
Đảo Ardley của Nam Cực, dài khoảng một dặm và là nơi sinh sống của nhiều đàn chim cánh cụt. Ảnh: Dan Charman
Theo Olly Bartlett, Giảng viên cao cấp tại Đại học Hertfordshire và cũng là tác giả của nghiên cứu, những tác động này có thể chỉ mang tính cục bộ, nhưng có thể giúp đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của thực vật khi khí hậu tiếp tục ấm lên.
"Cảnh quan mang tính biểu tượng này có thể thay đổi mãi mãi", ông Olly Bartlett nói.
Ông Matthew Davey, phó giáo sư về sinh thái học sinh lý tại Hiệp hội Khoa học Biển Scotland và là chuyên gia về sinh thái học thực vật và vi sinh vật vùng cực nhận định nghiên cứu này sẽ là "một bước tiến quan trọng" để hiểu hơn về thực vật ở Nam Cực.
Ông Davey, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết thậm chí có thể có nhiều thảm thực vật hơn mức đã xác định. Các phương pháp mà các nhà khoa học sử dụng mới chỉ phát hiện ra những cánh đồng rêu lớn hơn và xanh hơn.
"Chúng tôi biết rằng cũng có những khu vực rộng lớn của địa y, cỏ, tảo tuyết xanh và đỏ sẽ xâm lấn vào khu vực thảm thực vật ở Nam Cực. Mặc dù diện tích thực tế tăng lên của thực vật là nhỏ nhưng xu hướng thảm thực vật đang lan rộng ở Nam Cực là điều chắc chắn", ông Davey nói.
Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu cách thực vật xâm lấn vùng đất trống mới lộ ra khi các sông băng ở Nam Cực đang thu hẹp lại./.
Hồng Nhung
Sao chép thành công