Báo Dân Trí,

Xã hội hóa bị lợi dụng, đến laptop của giáo viên cũng gọi "phụ huynh ơi"

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:33:16 01/10/2024 theo đường link https://dantri.com.vn/giao-duc/xa-hoi-hoa-bi-loi-dung-den-laptop-cua-giao-vien-cung-goi-phu-huynh-oi-20241001113044691.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Dân trí) - Xin tiền phụ huynh mua laptop cho mình, cô giáo tiểu học ngay giữa trung tâm TPHCM lý giải là do "nghĩ đến xã hội hóa giáo dục". "Máy tính của tôi bị mất ngay trong trường nên tôi nghĩ đến xã hội hóa giáo dục, nhà nước và nhân dân cùng làm. Vì thế, tôi mới xin phụ huynh hỗ trợ tiền", đó là lời giải thích của cô Trương Phương Hạnh, cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua laptop gây choáng váng dư luận những ngày qua.
Cô Trương Phương Hạnh xin tiền phụ huynh mua laptop vì nghĩ đến xã hội hóa giáo dục (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Một giáo viên dạy học ngay giữa trung tâm TPHCM bị mất laptop cũng như bao người bị mất đồ. Nhưng không như bao người rơi vào tình cảnh này sẽ tìm cách sắm lại bằng vay mượn, trả góp, mua hàng thanh lý, cô giáo nghĩ ngay đến... xã hội hóa. Nghĩa là vận động phụ huynh góp tiền mua máy tính cá nhân cho cô.
Nghĩ là làm, cô "xin" ngay trước ngày họp phụ huynh đầu năm. Hơn ai hết, là giáo viên, cô hiểu rõ nhất "cơ chế xin cho", cơ chế vận động, tự nguyện trong trường học.
Xin nhưng nào phải là xin khi người được xin không dễ để từ chối, để nói "không".
Vì vậy, 29 phụ huynh đã đóng 14,5 triệu đồng ngay trong buổi họp phụ huynh. Trong đó, cô giáo xin… 6 triệu đồng để mua laptop 11 triệu đồng, cô bù vào 5 triệu.
Xin nhưng nào phải xin khi có người bình chọn "không đồng ý" hỗ trợ cô mua laptop, cô hỏi ngay: " Là phụ huynh bé nào ?".
Các khoản vận động, kêu gọi xã hội hóa trong nhà trường không thể tách rời với việc đáp ứng trực tiếp cho các hoạt động của học sinh. Nhưng thực tế, không chỉ cô giáo xin tiền phụ huynh mua máy tính cá nhân dùng đến tấm thẻ bài xã hội hóa giáo dục mà rất nhiều khoản trời ơi đất hỡi trong nhà trường cũng gọi "phụ huynh ơi".
Từ bãi cỏ, sân chơi, phòng học, cái bàn, cái ghế, lát nền gạch, hay cái loa gắn vào tivi, sửa cổng trường, cho đến tiền hòa mạng và đóng internet hàng tháng… ở nhiều trường cũng đến tay phụ huynh.
Hài hước nhất ở không ít trường học còn có tình trạng sau khi xã hội hóa, vận động phụ huynh đóng góp đủ khoản, còn đẻ ra khoản … gọi tên "xã hội hóa".
Tại trường mầm non Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu từng xảy ra việc nhà trường sau khi thu đủ các khoản, thu cả tiền mua đồ dùng cho nhà bếp dù phụ huynh đã đóng tiền ăn, tiền bán trú, còn ấn định thu tiền xã hội hóa giáo dục… 300.000 đồng/học sinh/năm.
Sau đó, hiệu trưởng trường này đã bị kỷ luật cảnh cáo vì thu tiền xã hội hóa trái quy định.
Kiếm tra thu chi tại một trường học ở TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).
Hay tại một trường cấp 2 ở Thanh Hóa cách đây không lâu, ngoài dự kiến 16 khoản thu gồm thu theo quy định, khoản thu của các đoàn thể liên quan đến học sinh, các khoản thu tự phục vụ học sinh, cũng có khoản thu có tên là "xã hội" hóa 300.000 đồng/học sinh. Khoản này được trường lý giải để trả nợ cũ của trường.
Xã hội hóa ở đây không phải là xã hội hóa mà hóa ra là một khoản lạm thu.
Lạm thu "núp bóng" xã hội hóa, xã hội hóa giáo dục bị biến tướng ngay trong nhà trường là vấn đề được cảnh báo từ lâu nay.
Ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng ung nhọt này không được giải quyết, xử lý mà dường như ngày càng sinh sôi nảy nở đến nỗi một giáo viên mất máy tính cá nhân cũng liền gọi ngay "xã hội hóa".
Sự việc cô giáo xin tiền phụ huynh gây bàng hoàng, choáng váng nhưng cần nhìn thẳng nó không hiếm, không lạ trong trường học với chiếc áo xã hội hóa.
Xã hội hóa giáo dục được hiểu là vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục. Đây là chủ trương cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội quan tâm, chăm chút cho giáo dục.
Hơn ai hết, trong trường học, mỗi người quản lý, mỗi người thầy trước khi nghĩ đến trách nhiệm, nghĩa vụ của phụ huynh thì cần chất vấn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Đặc biệt trường học cần biết giới hạn những khoản nào có thể kêu gọi xã hội hóa, những khoản nào không thể.
Việc vận động, tự nguyện trong trường học gây ám ảnh, sợ hãi cho phụ huynh đến độ, khi nhiều địa phương bàn đến chính sách miễn học phí cho học sinh THCS, nhiều người lập tức phản đối.
Miễn học phí cho học sinh là một chính sách nhân văn, cần thiết mà nhiều nền giáo dục trên thế giới đã và đang hướng đến nhưng nghịch lý ở ta, không ít phụ huynh lại quay lưng.
Bởi họ biết học phí chẳng là gì so với đủ khoản phí trong trường học. Và bởi người ta sợ, sợ miễn học phí rồi thì sẽ lại đẻ ra hàng trăm khoản khác.
Thực tế ngay trước mắt, quy định trên giấy cấm nhiều khoản thu nhưng trường học vẫn thu đủ khoản. Không thu qua trường thì qua cánh tay nối rất dài mang tên hội phụ huynh với nhiều khoản thu sai quy định…
Nguyên quản lý cấp phòng thuộc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay nhiều khoản thu trong trường học gây bức xúc vì vô lý và vì không rõ ràng, minh bạch.
Ông cho rằng, để tránh tình trạng này, trước khi vận động phụ huynh đóng góp bất cứ khoản nào, nhà trường cần công khai ngân sách cấp cho trường ở các hạng mục trong năm như thế nào, kế hoạch chi tiêu ra sao.
Phụ huynh đưa con đến trường nặng trĩu vai với đủ khoản tiền tự nguyện, ủng hộ (Ảnh minh họa: Hoài Nam).
Trường có từng đó, nếu phía gia đình đóng góp thêm, trường sẽ xây dựng, đầu tư các hạng mục cụ thể để đáp ứng cho nhu cầu thật sự của học sinh.
Giáo dục cần tiền nhưng giáo dục không chỉ cần tiền. Theo ông, xã hội hóa giáo dục trong nhiều trường học hiện chỉ chăm chăm vào mỗi chữ "tiền" mà chính nhà trường quên mất rằng, xã hội hóa giáo dục còn nhiều nguồn lực khác về con người, khả năng, công sức và cả về niềm tin...
Chỉ có như vậy thì xã hội hóa giáo dục mới không bị biến tướng thành một món lạm thu mới đè nặng phụ huynh.
Sao chép thành công