Nội dung liên quan Mỹ, Tin Quốc Tế

Báo Điện tử Chính phủ,

Xây dựng lòng tin là nền tảng giải quyết các thách thức toàn cầu

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 07:54:10 27/09/2024 theo đường link https://baochinhphu.vn/xay-dung-long-tin-la-nen-tang-giai-quyet-cac-thach-thuc-toan-cau-102240926093453382.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Chinhphu.vn) - Tại buổi làm việc về Đồng thuận 4P, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự đoàn kết, chủ nghĩa đa phương và xây dựng lòng tin là nền tảng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: BNG
Trưa 25/9 (giờ địa phương), nhận lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Đặc Phái viên sáng kiến Đồng thuận Paris vì con người và hành tinh (Đồng thuận 4P) - nguyên Tổng thống Senegal Macky Sall, thừa ủy quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự buổi làm việc giữa các nhà lãnh đạo về Đồng thuận 4P.
Tham dự buổi làm việc có các nhà lãnh đạo đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các quốc gia Brazil, Colombia, Anh, Na Uy, Bồ Đào Nha, Kenya, Mauritania, Barbados, Tanzania và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế…
Tại buổi làm việc, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự đoàn kết, chủ nghĩa đa phương và xây dựng lòng tin là nền tảng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Các đại biểu tái khẳng định tính cấp thiết của việc nâng cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trong cấu trúc quản trị toàn cầu và các định chế kinh tế tài chính quốc tế; kêu gọi thúc đẩy các giải pháp, phương thức mới nhằm giải quyết gánh nặng nợ của các nước đang phát triển. Một số nhà lãnh đạo khẳng định cam kết tăng cường nguồn vốn, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu về nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay, đa dạng hóa nguồn lực tài chính ưu đãi cho các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương, đặc biệt trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cùng Tổng thống Kenya William Ruto và Tổng Giám đốc IMF Georgieva Kristalina - Ảnh: BNG
Buổi làm việc nhấn mạnh ủng hộ nỗ lực của Brazil, nước Chủ tịch G20 năm 2024, về thúc đẩy một hệ thống quản trị toàn cầu công bằng hơn, khẳng định sẽ tăng cường hợp tác giữa các nước, hướng tới những cam kết thực chất và hiệu quả hơn nữa tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) và Hội nghị lần thứ tư về Tài chính cho phát triển (FfD4).
Trong trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chuyển lời cảm ơn chân thành của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về lời mời tham dự buổi làm việc về Đồng thuận 4P và mong muốn sớm gặp Tổng thống để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác, hướng tới một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Pháp, góp phần đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của hai nước, cũng như toàn thế giới.
Cũng trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã có những trao đổi thực chất với Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Kenya William Ruto, Tổng Giám đốc IMF Georgieva Kristalina về các vấn đề song phương cũng như định hướng hợp tác trong khuôn khổ Đồng thuận 4P.
Đồng thuận 4P là sáng kiến được Pháp và cá nhân Tổng thống Macron thúc đẩy tại Hội nghị thượng đỉnh về hiệp ước tài chính toàn cầu mới (tháng 6/2023). Bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên của 4P hiện nay gồm: Tăng cường tính bền vững nợ; Huy động tài chính tư nhân; Thúc đẩy tài chính sáng tạo; Kiến tạo các chuyển đổi. Đến nay, Đồng thuận 4P nhận được sự ủng hộ của 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao gặp Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ
Trước đó, cũng trong ngày 25/9, nhân dịp đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp với Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jonathan Finer.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jonathan Finer - Ảnh: BNG
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jonathan Finer bày tỏ vui mừng trước đà phát triển và những tiến triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực mà quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được sau một năm nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược và mong muốn cùng với Hoa Kỳ tiếp tục đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, bền vững trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và các nguyên tắc cơ bản của quan hệ song phương, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là ở cấp cao, đồng thời đề nghị Hội đồng An ninh quốc gia và các cơ quan liên quan của hai bên phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như các lĩnh vực hợp tác khác trong khuôn khổ quan hệ mới.
Phó Cố vấn An ninh quốc gia Jonathan Finer ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyến đối với việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, nhất quán ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Ông Jonathan Finer cũng nhất trí và cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục quan tâm dành nguồn lực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có hợp tác Mekong, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải - hàng không ở Biển Đông.
Theo Bộ Ngoại giao
Sao chép thành công