Báo Giáo dục & Thời đại,

Xóa 'dạy chay' cho học trò vùng khó

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 05:46:04 29/09/2024 theo đường link https://giaoducthoidai.vn/xoa-day-chay-cho-hoc-tro-vung-kho-post702494.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Phương Nam
Theo dõi báo trên
GD&TĐ - Những chiếc máy vi tính không chỉ xóa bỏ dạy học “chay”, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thông tin, khám phá công nghệ, cho học trò vùng khó khăn.
Bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk kiểm tra việc sử dụng máy vi tính được tài trợ vào dạy học. Ảnh: Thành Tâm
Lần đầu được lăn chuột Dù đã cuối cấp tiểu học, nhưng em Cao Thùy Linh (thôn 1, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) cùng các bạn ở lớp 5, Trường Tiểu học Cẩm Phong mới lần đầu được nhấn nút khởi động máy, lăn con chuột vi tính.
Thùy Linh cho biết, được học môn Tin học từ lớp 3, nhưng trường chưa có phòng máy vi tính để thực hành. Mỗi bài học giáo viên dạy lý thuyết rồi vẽ trên bảng các ký tự, mô hình… học sinh theo đó ghi chép vào vở. Cũng bởi vậy Linh và nhiều bạn không thích học vì không hiểu bài.
“Năm học mới này chúng em được học máy tính rồi. Hôm nay, là tiết thứ 2 em cùng các bạn được thực hành trên máy và bắt đầu quen với các thao tác như khởi động, lăn chuột… Em thấy môn Tin học thú vị hơn vì mỗi giờ học cô giáo không phải vẽ trên bảng mà hướng dẫn trực tiếp trên màn hình của mỗi học sinh. Cô còn hướng dẫn biết cách truy cập Internet để đọc báo, lấy thông tin tham khảo cho các bài học”, Thùy Linh nói.
Lần đầu tiên được tiếp cận máy vi tính, em Cao Thiên Bảo lớp 4, Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) tỏ ra thích thú khi khám phá ra những sticker ngộ nghĩnh để trang trí cho bài thực hành.
“Sau buổi đầu làm quen với máy vi tính, em vẽ lại vị trí, chức năng từng phím, tổ hợp phím và phương pháp tìm sticker. Em cũng đã thuộc 4 bước để tìm kiếm trên máy tính gồm: Mở Settings trên Windows. Chọn mục Personalization ở menu bên trái, chọn Background. Tại đây, tìm lựa chọn có tên Choose stickers for your wallpaper. Cuối cùng, chọn Add stickers sau đó cửa sổ stickers sẽ xuất hiện”, Thiên Bảo hào hứng khoe.
Đôi bạn Sùng Thị Nhung và Trần Thị Ngoan, lớp 8, Trường THCS Yang Hăn (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) cho biết, được thực hành trên máy vi tính giúp hiểu bài nhanh hơn.
“Các bài học được thầy minh họa bằng video, hình ảnh, trò chơi học tập trên máy tính khiến cho các kiến thức trở nên dễ hiểu và sinh động hơn so với việc chỉ học qua sách vở. Hơn nữa, máy tính còn là công cụ hỗ trợ để học sinh tìm kiếm thông tin, tiếp cận với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng”, đôi bạn nói.
Theo cô Trần Thị Mỹ Hằng - giáo viên tin học, Trường Tiểu học Cẩm Phong kể, từ khi được thực hành trên máy vi tính, học sinh yêu thích môn học hơn, không còn tình trạng trốn tiết, mất tập trung trong lớp.
Thầy Võ Quốc Vin - Hiệu trưởng Trường THCS Yang Hăn cho biết, được tài trợ 1 phòng máy vi tính đã là niềm hạnh phúc của thầy và trò. Từ đây mở ra cơ hội tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ thông tin đối với học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn.
Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Cẩm Phong lần đầu được học trên máy vi tính. Ảnh: Thành Tâm
Cởi bỏ áp lực Cô Trần Thị Mỹ Hằng - Trường Tiểu học Cẩm Phong chia sẻ, đây là môn học đòi hỏi thực hành nhiều. Khi thiếu công cụ phải dạy chay, giáo viên gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động thực hành, học sinh không có cơ hội tiếp xúc với công nghệ.
“Để truyền đạt các khái niệm về tin học, giáo viên cần có những ví dụ thực tế, như thực hành các phần mềm luyện tập chuột, luyện tập gõ bàn phím, phần mềm PP, Scratch… Khi không có máy tính, giáo viên chỉ có thể sử dụng lý thuyết, điều này khiến bài học trở nên khô khan, khó hấp dẫn, nhất là hạn chế phát triển kỹ năng của học sinh”, cô Hằng nói.
Để bảo đảm yêu cầu về chất lượng và giúp học sinh làm quen với bộ môn, cô Hằng và nhiều thầy cô cùng hoàn cảnh phải tự tạo áp lực đối với chính mình.
“Một số bài thực hành không có máy, như bài Tạo chương trình máy tính để diễn tả ý tưởng. Đây là bài học sinh thực hành tạo ra được một sản phẩm từ phần mềm. Thay vì học sinh dùng máy tính, chọn nhân vật, chọn nền, tạo các câu lệnh theo các nhóm lệnh (di chuyển, sự kiện...) để tạo ra một chương trình.
Giáo viên phải đi in các nhóm lệnh ra phát cho từng nhóm, sau đó hướng dẫn học, thảo luận. Từ đó, yêu cầu học sinh viết chương trình ra giấy để tạo nhân vật, nền, các hoạt động di chuyển của nhân vật. Có kết quả, đại diện nhóm mang giấy lên máy của cô thực hiện”, cô Hằng phân tích và đánh giá, dù không hạn chế thời gian, nhưng số học sinh thực hiện được yêu cầu không nhiều.
Chia sẻ thêm về điều này, thầy Nguyễn Văn Nam - giáo viên tin học, Trường THCS Yang Hăn khẳng định, dạy tin học không có máy vi tính sẽ thiếu tính trực quan, làm giảm khả năng hiểu và áp dụng kiến thức vào thực tế của học sinh.
“Khi dạy chay, giáo viên dù rất nỗ lực tìm giải pháp minh họa các khái niệm và thao tác trên máy tính cá nhân, nhưng học sinh vẫn rất khó hình dung và tiếp thu bài học. Điều này, gây khó khăn trong việc hình thành các kỹ năng cơ bản của môn học. Đây cũng là lý do nhiều em thiếu động lực học tập, chán môn học”, thầy Nam tâm sự.
Theo ông Huỳnh Viết Trung, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Bông, trong lúc ngân sách chưa thể đáp ứng nhu cầu trang thiết bị dạy học thì việc Sở GD&ĐT kết nối Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn VinGroup) trao tặng hàng trăm máy tính cho trường học vùng khó khăn của Đắk Lắk là điều hết sức giá trị.
“Thực tế, địa phương và bản thân ngành GD-ĐT rất quan tâm đầu tư cho các trường, nhưng nguồn lực còn hạn chế, trong khi phải ưu tiên phòng học. Nhiều trường có tới 5 - 6 điểm lẻ, rất khó để bảo đảm đầu tư phòng máy vi tính.
Vì vậy, chúng tôi vui mừng khi Sở GD&ĐT, Quỹ Thiện Tâm đã tài trợ cho 5 trường trên địa bàn 5 phòng máy vi tính. Bản thân tôi là giáo viên Toán - Tin cũng là chuyên gia máy tính, những chiếc máy do Thiện Tâm tài trợ thật sự đẹp và cấu hình rất mạnh. Đây cũng là điều kiện để các trường nỗ lực hơn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học”, ông Trung bày tỏ.
Theo bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, từ năm 2022 đến 2024, Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn VinGroup) đã huy động và tài trợ cho ngành GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk (3 huyện vùng khó Krông Bông, Ea Súp và M’Drắk) với 15 trường tiểu học và trường THCS được tài trợ. Tổng số 430 máy vi tính phòng Tin học có giá trị hơn 4,1 tỷ đồng.
Sao chép thành công