Báo Giáo dục & Thời đại,

Xóm chài bên sông Lam mòn mỏi chờ tái định cư

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 11:03:13 26/09/2024 theo đường link https://giaoducthoidai.vn/xom-chai-ben-song-lam-mon-moi-cho-tai-dinh-cu-post702332.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Phạm Tâm
Theo dõi báo trên
GD&TĐ - Dù có dự án tái định cư, nhưng hơn 10 năm qua, hàng chục hộ dân sống ngoài đê sông Lam (TP Vinh, Nghệ An) vẫn chưa được đến nơi ở mới.
Cụm dân cư Hòa Lam (Hưng Hòa, TP Vinh) nằm bên mép sông Lam. Ảnh: Phạm Tâm
“Sống mòn” bên mép sông Cụm dân cư Hòa Lam (xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa, TP Vinh) là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân làm nghề chài lưới nơi hạ nguồn sông Lam. Do nằm ở ngoài đê nên cụm dân cư này thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt, nhất là vào mùa mưa bão.
Gần đây nhất, ngày 23/9, do ảnh hưởng mưa bão số 4 nên nước sông Lam dâng cao, kết hợp với thủy triều khiến cụm dân cư Hòa Lam bị ngập sâu, có nơi ngập gần 1m.
Trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 60m2 là nơi sinh sống của 3 thế hệ với 8 thành viên của gia đình ông Chu Sinh Huy (SN 1958, trú tại xóm Thuận Hòa). Ông Huy cho biết, mặc dù đất vườn của gia đình rộng hơn 300m2 nhưng vì vùng dự án nên ông không thể tách bìa cho 2 người con trai đã lập gia đình ra ở riêng.
Ngôi nhà này được ông xây vào đầu những năm 90 thế kỷ trước đang ngày càng xuống cấp, xập xệ. Mặc dù chật chội, thiếu không gian cho con cháu sinh hoạt, học tập nhưng gia đình ông Huy không được phép cơi nới, sửa chữa.
Có nhiều năm “sống chung với lũ”, người đàn ông này chia sẻ kinh nghiệm, nếu biết tin bão vào, gia đình ông sẽ chở hết đồ đạc trong nhà mang qua bên kia đê gửi vào nhà người thân. Nếu chỉ lũ hoặc mưa lớn khiến nước dâng thì chỉ cần kê cao đồ đạc trong nhà. Tuy nhiên, do thường xuyên ngập lụt, độ ẩm cao nên đồ dùng điện tử trong nhà ông Huy cũng rất mau hỏng; tivi, tủ lạnh thường dùng được vài năm lại phải thay mới.
“Có những năm nước sông dâng cao lên tận nóc nhà, buộc người dân phải sơ tán lên đê lánh nạn. Tôi già rồi, cũng sống quen với lũ nhưng còn con cái, các cháu nhỏ nếu còn ở đây về lâu dài sẽ rất nguy hiểm”, ông Huy chia sẻ.
Xuất phát từ tính chất cấp thiết, tháng 11/2013, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa”, giao cho Chi cục Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, suốt một thời gian dài không có vốn để thực hiện, mãi đến năm 2020, dự án này mới được khởi công. Cũng chính vì kéo dài thời gian thực hiện nên từ mục tiêu di dời cho 58 hộ dân ban đầu, đến nay cụm dân cư Hoà Lam phát sinh lên 82 hộ. Điều này khiến cho dự án tái định cư tiếp tục phải điều chỉnh.
Những ngôi nhà ở Hòa Lam thường xuyên chịu cảnh ngập lụt vào mùa mưa bão. Ảnh: Phạm Tâm
“Gỡ nút thắt” để người dân an cư lạc nghiệp Liên quan đến dự án này, ông Trần Trung Quân, Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết, cụm dân cư Hòa Lam nằm ngoài đê sông Lam nên người dân thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt mỗi khi nước sông dâng cao hoặc thủy triều lên.
Mới đây, ngày 22 và 23/9, mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Lam lên nhanh, tràn qua bờ kè và vào khu vực dân cư. Chính quyền địa phương cử lực lượng sơ tán người già và trẻ em đến nhà người thân để đảm bảo an toàn. Nếu trong trường hợp nước còn dâng cao thì chính quyền sẽ yêu cầu bà con sơ tán hoàn toàn.
Theo ông Quân, khu hạ tầng tái định cư cho 58 hộ (giai đoạn 1) xây dựng hoàn thành và được Sở Xây dựng thẩm định. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa bàn giao công trình cho đơn vị quản lý; chưa thực hiện các bước bốc thăm, phân chia vị trí lô đất cho các hộ dân sử dụng.
Trong khi đó, dự án tái định cư (giai đoạn 2) cho 24 hộ còn lại hiện đang vướng mắc khâu đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa thể triển khai. Chính quyền xã Hưng Hòa rất mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm triển khai xây dựng, đưa dự án vào sử dụng để người dân được an cư lạc nghiệp.
Ngoài ra, do chưa có quy định cụ thể về việc bàn giao đất tái định cư, và thu hồi khu vực đất cũ mà người dân đang sinh sống nên hiện nay, việc đưa người dân lên nơi ở mới vẫn chưa thực hiện được dứt điểm. Điều này khiến cho người dân địa phương tiếp tục có kiến nghị đến các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện.
Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri xóm Thuận Hòa, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, đến nay, 100% hạng mục theo hợp đồng đã ký kết với nhà thầu xây lắp đã được thi công hoàn thành gồm: San lấp mặt bằng, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, giao thông nội vùng, hệ thống thoát nước, nhà văn hóa.
Ông Chu Sinh Huy bên căn nhà cấp 4 đang ngày càng xuống cấp. Ảnh: Phạm Tâm
Khu tái định cư trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân địa phương. Ảnh: Phạm Tâm
Chi cục Phát triển nông thôn (chủ đầu tư dự án) cũng có văn bản đề nghị Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng. Nhưng tại thời điểm phê duyệt dự án (giai đoạn 1), khu tái định cư có đường giao thông trục chính D1 nối với đường tỉnh lộ. Về sau, tuyến đường này nâng cấp lên Quốc lộ 46C nên thiết kế của nút giao điểm đấu nối giữa đường D1 và quốc lộ không còn phù hợp.
Ngoài ra, do dự án ban đầu chỉ lập để di chuyển 58 hộ dân nhưng trải qua thời gian, đến nay có tới 82 hộ dân cần di chuyển. Do đó, Chi cục Phát triển nông thôn xin chuyển hạng mục đấu nối với đường quốc lộ vào dự án tái định cư cho 24 hộ còn lại (giai đoạn 2).
Vào tháng 9/2023, giai đoạn 2 dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dời khẩn cấp 24 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai xóm Thuận Hòa” được UBND tỉnh phê duyệt. Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng đang gặp vướng mắc. Dự án có diện tích gần 1,9ha nhưng mới giải phóng mặt bằng được khoảng 1,3ha. Số diện tích còn lại đang dừng do chờ UBND tỉnh điều chỉnh các quy định để phù hợp Luật Đất đai 2024.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND TP Vinh, UBND xã Hưng Hòa đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu mặt bằng đảm bảo, dự kiến sẽ thi công hoàn thành toàn bộ dự án trong quý IV năm 2024 để đưa tất cả hộ dân vào tái định cư.
Sao chép thành công