và 2 tác giả khác
Thời gian qua, nhiều cây xanh tại nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM được cắt tỉa nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa. Tuy nhiên có nhiều cây xanh bị cắt trụi lủi, chỉ còn phần thân đứng trơ trọi. Cây xanh bị cắt trụi lủi ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Điều này khiến người dân không khỏi tiếc nuối và có phần bức xúc đặt vấn đề có cách nào vừa cắt tỉa đảm bảo an toàn nhưng đồng thời không cắt cành trụi lủi?
Mỗi lần tỉa thưa tán cây, các đơn vị không được loại bỏ nhiều hơn 20 - 25% tán cây còn sống (và tỉ lệ thấp hơn đối với cây càng cao tuổi) để tránh gây sốc cho cây và hạn chế tạo ra quá nhiều chồi bất định. Nếu cần thiết phải cắt bỏ nhiều hơn thì nên làm trong những lần tiếp theo.
Sở Xây dựng TP.HCM
Cắt tỉa quá tay, phản cảm Cách đây vài ngày ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur (quận 3, TP.HCM) nhiều nhân viên thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đến cắt tỉa các nhánh cây thuộc họ sao đen, có chiều cao khoảng 30m và đường kính hơn nửa mét. Các nhánh cây được đưa xuống mặt đất bằng cách treo dây. Nhiều cành cây đã được cắt sát thân chính.
Dạo quanh các tuyến đường lân cận cũng dễ dàng nhìn thấy một số cây được cắt trụi cách đây gần một tháng đang lú nhú nụ mầm. Hiện tán lá mới loe ngoe, chưa biết khi nào mới đủ che mát như trước đây. Điều này gây cảm giác ngột ngạt, oi bức, đặc biệt những ngày nắng nóng mặt đường liên tục bốc hơi nóng phả vào người.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở khu vực hồ Con Rùa, nơi từng có những hàng cây dầu xanh ngắt, ôm trọn và che bóng mát hơn 50 năm. Hiện có bốn cây cũng bị cắt tỉa sát thân.
Tuy vậy ghi nhận một số nơi cũng có cây xanh được cắt tỉa vừa phải, vẫn còn cành nhánh như tại đường Nguyễn Văn Linh (quận 7). Chiều 30-9, đi dọc tuyến đường này thấy hàng cây xanh vừa được cắt tỉa nhưng vẫn giữ được phần khung chính của tán lá. Các cành cây được cắt gọn gàng nhưng không quá cụt hay sát vào thân cây. Tán lá ra mới cũng xanh tốt và có phần nhìn "mát mắt" hơn các cây bị cắt trụi lủi ở những con đường khu vực trung tâm.
Trong khi đó, Đà Nẵng là địa phương thường xuyên đối mặt với mưa bão nhiều năm qua nên mỗi năm tới mùa mưa bão lại xảy ra chuyện cắt tỉa quá tay. Theo bà Đinh Thị Thúy Hương - trưởng Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Hòa Vang, qua nhiều năm làm quen với việc chăm sóc, cắt tỉa cây xanh thì nhiều địa phương cũng đã nắm được "tinh thần" ứng xử với cây xanh. Tuy nhiên cũng có tình trạng cây xanh thuộc các dự án tư nhân, do chủ đầu tư tư nhân cắt tỉa quá tay.
"Nhất là tại các tuyến đường mà cây xanh đi chung với hệ thống dây điện, cáp quang thì việc cây ngã kéo theo ảnh hưởng tới mạng lưới này. Có thể chính nỗi lo đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản mà đơn vị chăm sóc gặp áp lực và cắt cây quá đà", bà Hương phân tích.
Ngoài ra theo bà Hương, cũng có không ít trường hợp đơn vị cắt tỉa muốn đạt hiệu quả xử lý nhanh, giảm nhân công nên cưa ngang thân, cành thay vì tỉa nhánh theo đúng quy chuẩn chăm sóc. Việc cắt cụt thân cành, cây xanh chậm ra nhánh, đơn vị cắt tỉa cũng sẽ bớt công cán hơn trong những lần cắt tỉa tiếp theo. Theo bà Hương, đây là cách làm phản cảm vì không chỉ ảnh hưởng đến cây mà còn mất mỹ quan.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này việc cắt tỉa cây xanh đô thị ở nhiều nơi đã hoàn thành. Trong đó nhiều cây to có nguy cơ cao ở trường học, các tuyến đường chính thường được đơn vị cắt tỉa chọn phương án "cắt an toàn". Nhiều cây xanh bị cưa không còn tán lá. Thậm chí có cây cắt cành, nhánh chỉ để lại thân.
Cây xanh bị cắt quá tay trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hòa Vang, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Cắt tỉa đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn Ông Văn Mạnh (60 tuổi), một người dân cư ngụ tại quận 3 (TP.HCM), bày tỏ sự ủng hộ khi các đơn vị vì an toàn của người dân mùa mưa bão nên đã lên kế hoạch cắt tỉa cây xanh.
Tuy nhiên ông Mạnh cũng cho rằng không nên quá mạnh tay, cắt sát và làm cây trụi lủi như hiện tại. Theo ông, đơn vị cần đánh giá chất lượng của từng cây và cắt tỉa sao cho vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo tính thẩm mỹ.
"Đồng thời để giải quyết vấn đề cây xanh cần có sự nghiên cứu và sự thay đổi quyết liệt từ phần gốc thay vì phần ngọn như cách làm hiện nay. Về lâu dài, TP.HCM nên tính toán phương án thay thế các cây trồng quá lâu năm, mục rỗng... bằng các loại cây có chiều cao, bộ rễ phù hợp với thực tế. Các cây lâu đời, cao "quá khổ" như hiện tại cũng là một áp lực lớn cho những người tham gia cắt tỉa, chăm sóc cây xanh", ông Mạnh bày tỏ.
Ông T., chủ đầu tư một dự án đô thị ở Đà Nẵng, cho rằng giữa phương án mỹ quan và an toàn thì việc lựa chọn an toàn luôn đặt lên hàng đầu. Người này cho rằng hạ tầng vỉa hè ở nước ta thường "chung chạ", vừa cùng lúc có cây xanh, trụ điện, cáp quang, hệ thống thoát nước... Chính vì điều này khiến cây xanh khó phát triển, vững gốc.
"Nhiều nơi cây xanh bị "thập diện mai phục" khi trên đầu có dây điện không vươn cao được, ở giữa thì cáp quang chằng chịt. Trong khi đó gốc khó phát triển vì "đụng" hệ thống thoát nước. Như vậy làm sao an tâm được mà không chọn cắt triệt để cho an toàn", người này nói. Nhưng dù chọn giải pháp an toàn, theo người này, cũng phải đảm bảo không để xảy ra tình trạng cắt quá tay, vừa có thể làm hư cây vừa tạo ra hình ảnh xấu xí.
Theo ông Võ Tấn Hà - phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, trước đây địa phương có tình trạng cắt tỉa quá mức với cây xanh đường phố thuộc quản lý của cấp quận huyện. Đó là vào thời gian đầu thực hiện việc phân cấp quản lý cây xanh về địa phương, nhiều nơi chưa có kinh nghiệm cắt tỉa, lên kế hoạch cắt cây chống bão không sát thực tế nên bị động. Do vậy có tình trạng cắt cây quá mức dẫn đến phản ứng của người dân.
Do đó sở đã có công văn yêu cầu triển khai công tác cắt tỉa cây xanh bảo đảm yêu cầu an toàn, thẩm mỹ nhưng phải duy trì bóng mát ở mức độ hợp lý. Trong đó đặc biệt lưu ý việc tuân thủ nghiêm túc tỉ lệ diện tích cắt tỉa tán cây xanh đã quy định.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã biên soạn cuốn sổ tay kỹ thuật cắt tỉa cây xanh đô thị ở TP.HCM để hướng dẫn các đơn vị chăm sóc cây xanh áp dụng. Theo đó mỗi lần tỉa thưa tán cây, các đơn vị không được loại bỏ nhiều hơn 20 - 25% tán cây còn sống (và tỉ lệ thấp hơn đối với cây càng cao tuổi) để tránh gây sốc cho cây và hạn chế tạo ra quá nhiều chồi bất định. Nếu cần thiết phải cắt bỏ nhiều hơn thì nên làm trong những lần tiếp theo.
Nếu chiếu theo hướng dẫn trên thì cách cắt tỉa cây trụi lủi như thực tế là sai. Tuy nhiên về mặt khoa học, mỗi loại cây có một đặc điểm khác nhau. Các nhân viên cây xanh sẽ thực hiện duy tu bằng kinh nghiệm lâu năm của mình.
Đà Nẵng: phải rút kinh nghiệm Ngày 1-10, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp liên quan xử lý tình trạng cắt tỉa quá mức với cây xanh ở trường học và tuyến quốc lộ 1 như phản ánh trên báo Tuổi Trẻ. Sở yêu cầu Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Công ty cổ phần xây dựng 545 phải đảm bảo theo quy định về quản lý cây xanh đô thị theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện. Ngoài ra Sở Xây dựng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản chấn chỉnh việc cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên tại các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo ở TP.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết hiện nay với quận 1, quận 3, đơn vị nhận rất nhiều phiếu đề xuất xử lý cây xanh của cả chủ đầu tư, UBND quận 1 và công an. Các đề xuất xoay quanh yêu cầu xử lý những cây xanh để giảm thiểu tai nạn, không để xảy ra sự cố liên quan cây xanh.
"Chúng tôi đặt mục tiêu an toàn cho người dân là trên hết. Đối với những chủng loại cây khác nhau sẽ có phương án chăm sóc phù hợp. Các cây lâu năm trồng tại đường phố TP.HCM có từ thời Pháp. Cây là sinh vật sống, có tuổi đời nhất định. Quá trình đô thị hóa tác động vào cây rất nhiều, làm sao đảm bảo nguy cơ thấp nhất về sự cố. Do đó giữa lựa chọn cảnh quan và an toàn phải chọn an toàn trước", vị này cho biết.