Báo Thanh Niên,

Xuất siêu 20,79 tỉ USD, tấp nập đơn hàng xuất khẩu mới

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 08:49:05 07/10/2024 theo đường link https://thanhnien.vn/xuat-sieu-2079-ti-usd-tap-nap-don-hang-xuat-khau-moi-185241006113101692.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
9 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỉ USD. 36% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới trong quý 4. GDP tăng 6,82% Ngày 6.10, Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) họp báo công bố số liệu thống kê quý 3 và 9 tháng năm 2024.
Quý 3, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Trong nước, cơn bão số 3 gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng kinh tế - xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía bắc.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chia sẻ tại họp báo
ẢNH: ĐT
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020 - 2024, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%. Đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây.
GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
"Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3 trong tháng 9 nên tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 tăng 3,20%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020 - 2024", bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), lý giải thêm.
Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2024, theo Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,86%, đóng góp 36,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,05%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,66%.
36% doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới
Tổng cục Thống kê thông tin thêm, trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 65,81 tỉ USD, giảm 8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), tính chung 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%
Các doanh nghiệp dệt may đã và đang tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu cho đầu năm 2025
ẢNH: ĐAN THANH
Trong 9 tháng năm 2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 66,4%).
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 sơ bộ xuất siêu 2,29 tỉ USD. Tính chung 9 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỉ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỉ USD.
Đáng chú ý, về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý 3 so với quý 2, có 29,8% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 48% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 22,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.
Xu hướng quý 4 so với quý 3, có 36% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 47,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 16,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu có nhiều cải thiện trong năm 2024, đặc biệt ở góc độ đơn hàng. Trao đổi với Thanh Niên , Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, từ lâu hầu hết doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng xuất khẩu đến hết năm.
"Với những kết quả xuất khẩu đã đạt được thời gian qua, dự báo trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỉ USD, đóng góp đáng kể vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước. Các doanh nghiệp dệt may đã và đang rất tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu cho quý 1/2025", ông Giang nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3 cho thấy: có 34,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý 2; 42,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý 4, có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 3; 40,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI lạc quan nhất với 84,8% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 3; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 81,7% và 81,1%.
Sao chép thành công